Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa gần 92,4% mục tiêu xuất khẩu 188 tỷ USD trong năm 2017, tính đến thời điểm hiện tại. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm được dự báo có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất từ 2011.

Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 có thể tăng trưởng cao

Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu 10 tháng năm đầu năm ước đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 21,3 tỷ USD trong 10 tháng năm 2017, chiếm 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 17,1% so với cùng kỳ.
 
Riêng xuất khẩu thủy sản, 10 tháng năm 2017 ước đạt 6,79 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao của ngành thủy sản.
 
Theo Bộ Công Thương, mặc dù tăng trưởng tốt nhưng ngành thủy sản đang phải gặp khó khăn bởi xu hướng bảo hộ tại Hoa Kỳ thông qua rào cản kỹ thuật thương mại và biện pháp phòng vệ thương mại, hay hiện tượng truyền thông bôi nhọ tại EU, gây bất lợi cho xuất khẩu.
 
Cùng với đó, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường tiềm năng tuy tăng trưởng mạnh nhưng chưa ổn định do tỷ phần lớn được xuất qua kênh tiểu ngạch. Giá nguyên liệu cá tra và tôm trong nước tăng làm giá thành sản xuất cao, kém cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Một mặt hàng chủ lực của Việt Nam nữa là gạo. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong 10 tháng năm 2017 ước đạt 5 triệu tấn, tăng 21,6% so với cùng kỳ 2016, trị giá đạt 2,23 tỷ USD, tăng 20,3%.
 
Cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.
 
Về thị trường xuất khẩu, số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, các thị trường xuất khẩu chính có mức tăng tương đối mạnh. Theo đó, thị trường Châu Á là thị trường truyền thống, ước xuất khẩu 10 tháng đầu năm có mức tăng khá với cùng kỳ năm 2016 (tăng 28,9%), chiếm tỷ trọng 51,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường còn lại có mức tăng nhẹ.
 
Đối với thị trường nhập khẩu, số liệu Bộ Công Thương cũng cho thấy, kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2017 ước đạt 172,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
 
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu 10 đầu năm của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 154,2 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 23,2% so với cùng kỳ.
 
Nhóm hàng cần kiểm soát, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10 tỷ USD, chiếm 5,8% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 8,2% so với cùng kỳ.
 
Về thị trường nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ, tăng 22%. Cụ thể, Châu Á tăng 23,2% và chiếm 80,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam; Châu Âu tăng 9,8% và chiếm tỷ trọng 6,8%…
 
Bộ Công Thương cho biết, với mức tăng trưởng lên tới 20,7%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước ta sau 10 tháng đầu năm đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 – 7% trong năm 2017, và cũng cao hơn mức tăng trưởng 7% của cùng kỳ năm ngoái và mức tăng trưởng 8,3% của 10 tháng năm 2016.
 
Tính đến thời điểm hiện tại kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 92,4% mục tiêu xuất khẩu 188 tỷ USD trong năm 2017.
 
“Trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 với mức tăng trưởng vào khoảng 18,9%, đạt 210 tỷ USD”, Bộ Công Thương nhận định.

Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về thị trường lao động

Theo Bộ Công Thương, mức tăng trưởng trên hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt, là yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
 
“Tăng trưởng năm 2017 là do sự hồi phục của các dòng thương mại trong khu vực châu Á và nhu cầu nhập khẩu ở Bắc Mỹ tăng trở lại, sau khi bị đình trệ trong năm 2016”, Bộ Công Thương cho hay.
 
Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP ở hầu hết các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU đã kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Sự phục hồi kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn này đã tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước tiếp tục mở rộng thị trường chủ lực và tìm kiếm các thị trường mới.
 
Trong khi đó, năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam đang ngày được nâng cao. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 55 trên thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với 5 năm trước. Theo WEF, Việt Nam đã có những cải thiện đáng chú ý về lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động.
 
Cũng theo Bộ Công Thương, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác FTA, đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam, mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.
(Theo Yến Nhi- báo vnmedia)
Đánh giá chất lượng bài viết, dịch vụ