Các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang được ngành Hải quan triển khai trong các hoạt động nghiệp vụ không chỉ góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả của cơ quan hải quan, mà còn tạo nhiều thuận lợi, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Năm 2017 tiếp tục là năm mà lĩnh vực CNTT Hải quan ghi những dấu ấn quan trọng với việc triển khai nhiều hệ thống hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng trong các hoạt động nghiệp cốt lõi của cơ quan hải quan.
Ngay từ đầu năm, ngành Hải quan đã vận hành thí điểm và sau đó là triển khai chính thức Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cung cấp thêm 46 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực Hải quan.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay đã có 126/178 TTHC trong lĩnh vực hải quan được cung cấp DVCTT đạt tối tiểu mức độ 3. Theo kế hoạch đến hết năm 2017 ngành Hải quan sẽ tiếp tục cung cấp DVCTT tối thiểu mức độ 3 cho 42 TTHC, nâng tổng số TTHC trong lĩnh vực hải quan được cung cấp DVCTT tối thiểu mức độ 3 lên con số 168.
Đến hết ngày 5/11/2017, Hệ thống đã tiếp nhận và xử lý hơn 56 nghìn bộ hồ sơ TTHC với sự tham gia của hơn 10 nghìn cá nhân, doanh nghiệp.
Những nỗ lực thực hiện TTHC bằng phương thức điện tử của cơ quan Hải quan đã góp phần giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa DN với cán bộ công chức, góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hải quan cũng như giúp DN giảm được thời gian và chi phí thực hiện TTHC hải quan, tăng năng lực cạnh tranh.
Trong lĩnh vực giám sát hàng hóa, ngành Hải quan cũng đã chính thức triển kha đề án giám sát hàng hóa tại cảng biển và cảng hàng không. Đến nay, Hệ thống này đã kết nối với gần 40 doanh nghiệp kinh doanh kho cảng.
Hệ thống giám sát hàng hóa tại cảng biển và cảng hàng không đã giúp cơ quan hải quan theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi và vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát của hải quan, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không. Đồng thời giúp các doanh nghiệp XNK giảm được gánh nặng trong khai báo thủ tục, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, tiết kiệm được chi phí kinh doanh.
Trong lĩnh vực thu ngân sách, việc triển khai thí điểm Hệ thống thu thế điện tử và thông quan 24/7 đã thực sự tạo dấu ấn với phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Hệ thống đã mở ra một kênh thanh toán mới, giúp DN có thể chủ động nộp tiền thuế vào bất cứ thời điểm nào, từ bất cứ đâu với mọi phương tiện có kết nối internet, không phụ thuộc vào thời gian làm việc, địa điểm làm việc của các cơ quan thu thuế như: Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, Hải quan.
Sau 2 tuần thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 với 5 ngân hàng, đến nay hệ thống đã xử lý khoảng 200 giao dịch và hơn 20 tỷ đồng tiền thuế đã được nộp qua Cổng thanh toán. Con số này sẽ còn tiếp tục được tăng lên cùng với việc mở rộng thêm các ngân hàng phối hợp thu trong thời gian tới.
Cũng trong năm 2017, ngành Hải quan đã triển khai, nâng cấp một số hệ thống CNTT như: Hệ thống thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu; hệ thống Quản lý rủi ro; hệ thống hỗ trợ ra quyết định nghiệp vụ… Những hệ thống CNTT này đã góp phần quan trọng trong công tác cải cách, hiện đại hóa cũng như nâng cao năng lực quản lý hải quan.
Bên cạnh đó, với vai trò là Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan giữ vai trò quan trọng trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Đến nay, Cổng thông tin một cửa quốc gia đã kết nối 11 bộ
ngành, thực hiện 41 TTHC và thu hút sự tham gia của gần 15 nghìn doanh nghiệp. Ngày 15/11 tới đây, Cơ chế một cửa quốc gia đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh sẽ được triển khai chính thức tại tất cả các cảng hàng không quốc tế.
Có thể nói, trong năm 2017, lực lượng CNTT đã góp phần quan trọng trong triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành, các ứng dụng CNTT đã phục vụ đắc lực công cuộc cải cách hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực hải quan cũng như góp phần tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh.