Một số ngành hàng công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do vấp phải hàng loạt chính sách phòng vệ thương mại của các nước và những bất cập của cơ chế, chính sách…
Những năm qua, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp luôn giữ vị trí quan trọng trong xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, với tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, dự kiến một số ngành hàng công nghiệp xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn do vấp phải hàng loạt chính sách phòng vệ thương mại của các nước và những bất cập của cơ chế, chính sách hiện hành. Vì thế, ngành cần có những giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu.
Tại cuộc họp về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng công nghiệp ngày 6/4, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra, xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2018 mặt hàng này ước khoảng 45,3 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (22%).
Song theo Cục Xuất nhập khẩu, một số ngành hàng công nghiệp xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn do vấp phải hàng loạt chính sách phòng vệ thương mại của các nước.
Và đặc biệt là biện pháp áp dụng thực hiện chính sách bảo hộ của Mỹ, ảnh hưởng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ ký văn bản ghi nhớ áp gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Hiện các mặt hàng như thép, nhôm, máy giặt dân dụng cỡ lớn, pin mặt trời đã bị Mỹ áp thuế cao; điều này sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đại diện ngành hàng công nghiệp đã đưa ra những bất cập cần giải quyết nhằm thúc đẩy xuất khẩu của ngành.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, lượng giấy xuất khẩu còn nhỏ khoảng 300 triệu USD mỗi năm, nhưng để xuất khẩu được chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất.
Song khó khăn với ngành giấy hiện nay là vấn đề xử lý môi trường. Ở các địa phương vẫn còn có cái nhìn không thiện cảm với ngành giấy vì cho rằng ngành giấy gây ô nhiễm môi trường nên họ không chấp nhận cho những dự án ngành giấy hoạt động tại địa phương họ… đây là vấn đề cần được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, giấy phép con cũng làm khó doanh nghiệp, bỏ được 1 giấy phép con thì 4-5 giấy phép con khác ra đời. Ngành giấy không phải là ngành sản xuất – kinh doanh có điều kiện nhưng một số quy định lại tạo ra điều kiện với ngành.
Như Luật Môi trường, khi nhập giấy đã qua sử dụng thì phải có giấy phép, trước khi nhập phải có ký quỹ 30 ngày và khi gửi hồ sơ cho hải quan phải có chứng chỉ hợp chuẩn và chứng chỉ này do một cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định.
“Nếu đã có giấy chứng nhận hợp chuẩn thì cần gì phải kiểm hoá?”, ông Bảo đặt câu hỏi.
Trong khi, hải quan kiểm hoá giấy loại nhập khẩu 100%… gây khó khăn, mất thời gian cho doanh nghiệp. Mặt khác, chi phí thực thi pháp luật của doanh nghiệp cực lớn: chi phí chính thức thì rất nhỏ, nhưng chi phí không chính thức “bằng con voi”.
Còn với xuất khẩu da giày, theo ông Lê Xuân Dương, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, bất cập với ngành hiện nay là thuế nhập khẩu giày nguyên chiếc bằng 0% nhưng khi nhập nguyên phụ liệu về sản xuất thì có mức thuế 20% – điều này không khuyến khích doanh nghiệp sản xuất.
Cùng với đó, Nghị định 111/2015/NĐ-CP với nhiều quy định về chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng còn nhiều vướng mắc. Như quy định quá chi tiết loại nguyên liệu được hưởng nghị định này trong khi bản thân nguyên phụ liệu rất biến động, do vậy cần để khoảng rộng hơn.
Để phát triển sản xuất cần có khu công nghiệp chuyên biệt, Nhà nước cần hỗ trợ xử lý môi trường. Vấn đề lao động cũng rất khó khăn với doanh nghiệp da giày do có sự dịch chuyển của ngành về địa phương.
Mặt khác, doanh nghiệp da giày hiện rất khó khăn trong tiếp cận công nghệ theo 4.0 nên rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề này.
Ông Trương Văn Cẩm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, việc giá tính thuế với phần nguyên vật liệu dư thừa và lỗi mốt của hàng sản xuất xuất khẩu dệt may đang gây khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Quy định đối với hàng huỷ của gia công thì cho phép không phải nộp thuế, còn với hàng sản xuất xuất khẩu thì phải nộp thuế.
“Khoản 13 Điều 144 Thông tư 38 /2015/TT-BTC quy định: hàng hoá xuất nhập khẩu nằm trong sự giám sát của hải quan vi phạm buộc phải tiêu huỷ và đã tiêu huỷ thì không phải nộp thuế.
Trong khi đó, doanh nghiệp làm ăn chân chính chỉ là hàng sản xuất dư thừa, lỗi mốt thì phải nộp thuế khi tiêu huỷ. Điều này thật nghịch lý, đánh đồng giữa doanh nghiệp vi phạm với doanh nghiệp không vi phạm”, ông Cẩm nói.
Ở góc độ khác, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho rằng, việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố Hải Phòng áp dụng đối với hàng xuất nhập khẩu mức phí quy định 250.000 đồng/container 20 feet; 500.000 đồng/container 40 feet đang gây khó khăn cho Canon rất nhiều.
Doanh nghiệp đang phải trả các loại phí như phí nâng hạ container, phí xếp dỡ, phí lưu kho, phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường… đều thuộc phạm vị “phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng.
Việc đóng phí này chồng chéo với nhiều loại chi phí khác mà doanh nghiệp đang phải trả. Tổng chi phí doanh nghiệp trả/ 1 container hàng từ Hà Nội – Hải Phòng (đã bao gồm tất cả các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, cầu đường, thuê forwarder làm thủ tục hải quan…) lên đến 5.000.000 đồng…